Ngày 27/9, tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Luật Quản lý thuế quy định tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện pháp nhân của doanh nghiệp. Theo đó, tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong nhiều biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế.
Ông Đặng Ngọc Minh cho biết: Hiện nay thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế được thực hiện theo quy trình cơ quan thuế sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp với người nộp thuế lập danh sách cá nhân thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Đồng thời, gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Do đó, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh đối tượng nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế sẽ cân nhắc các giải pháp để tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo việc thu ngân sách cho Nhà nước. Với từng trường hợp cụ thể, cơ quan thuế sẽ căn cứ, cân nhắc các giải pháp sao cho phù hợp nhất.
Theo Tổng cục Thuế, năm 2023 đã đề xuất tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp nợ thuế và tạm hoãn xuất cảnh với hơn 6.500 trường hợp kể từ đầu năm tới nay.
Liên quan đến đề xuất sàn thương mại điện tử kê khai thuế thay người bán hàng, Tổng cục Thuế cho biết điều này nhằm tăng hiệu quả quản lý thuế. Luật quản lý Thuế đưa ra giải pháp phối hợp giữa bộ ngành, doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử trong cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, việc cung cấp thông tin của sàn thương mại điện tử đã có quy định, đề xuất sàn thương mại điện tử kê khai thay người bán nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thuế, đảm bảo công bằng. Hiện có 108 nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam đã kê khai thay người cung cấp dịch vụ.