Sau hơn 3 tháng phát đi lời kêu gọi nghệ sỹ tham dự, dự án Âm thanh tình anh em: Khám phá tài năng sáng tạo do Quỹ Dàn nhạc Trẻ Thế giới (World Youth Orchestra Foundation – WYO) và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp tổ chức đã chọn ra được 8 tác phẩm để trao giải.
Cần nhắc lại, dự án Âm thanh tình anh em ra đời với mong muốn thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, hỗ trợ phát triển chuyên môn, tạo điều kiện kết nối và hợp tác, đặc biệt là cung cấp hỗ trợ tài chính cho nghệ sĩ triển khai các dự án nghệ thuật, dành cho các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, khuyến khích các nghệ sĩ từ nhiều nền tảng và kinh nghiệm khác nhau tham gia. Dự án nằm ở các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu hoặc nghệ thuật thị giác.
Những gương mặt được chọn
Chương trình đã công bố lý do lựa chọn 8 tác phẩm được trao giải. Chẳng hạn, ở loại hình nghệ thuật thị giác, dự án Bug/ Bọ của Bùi Bảo Trâm gây ấn tượng với giám khảo bởi lối kể chuyện bằng những cấu trúc đường nét có tính tạo hình cao. Dự án Have a good rest/ Chúc nghỉ ngon của Trần Thảo Miên được trao giải bởi đã thể hiện được tư duy sáng tạo nguyên bản trong việc khám phá, tái thể hiện các yếu tố về di sản, thủ công và giá trị văn hoá địa phương trong một dự án nghệ thuật sắp đặt, bộc lộ cách tiếp cận chậm rãi khi thực hành sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh chuyển động nhanh của xã hội hiện nay.
Riêng bộ tác phẩm ảnh Dream World/ Thế giới trong mơ lại tạo được ấn tượng với Ban giám khảo bởi khả năng truyền tải thông điệp, xúc cảm mạnh mẽ. Đặc biệt, bộ tác phẩm đáp ứng tính sáng tạo độc đáo trong từng góc máy và khuôn hình, sự chỉnh chu trong cách diễn đạt ý tưởng cần truyền tải. Cách biểu đạt trong từng hình ảnh cho thấy sự “bức bối”, “ngột ngạt” trước sự “xâm lấn” tràn lan từ thói quen sử dụng túi nilon trong tiêu dùng của con người hiện nay.
“Sự tối giản về màu sắc và cách diễn hình đã cho thấy tác phẩm không chỉ có tính sáng tạo, độc đáo mà còn thể hiện một cách mạnh mẽ thông điệp của nghệ sỹ: Linh hồn không biến mất mà trải qua sự biến đổi giữa các cơ thể để hiểu được từng bài học” – Ban giám khảo nhận xét về dự án của Bùi Bảo Trâm.
Về quá trình chấm giải, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) tiết lộ: Ban giám khảo khá khó khăn trong việc lựa chọn, bởi hầu hết các hồ sơ tác phẩm gửi về đều có chất lượng nghệ thuật rất cao, tính sáng tạo độc đáo và đa dạng trong cách các nghệ sĩ kể câu chuyện nghệ thuật của mình.
“Chúng tôi ước Quỹ có thể có nhiều hơn nữa để trao giải cho tất cả các hồ sơ tác phẩm. Và với số lượng hồ sơ đăng kí tham gia nhiều như vậy, chúng tôi hiểu rằng cộng đồng nghệ thuật ở Việt Nam đang lớn mạnh và đa dạng ở nhiều loại hình” – bà Phương khẳng định – “Với vai trò là cơ quan tổ chức, chúng tôi coi đây là động lực để có thể kết nối với nhiều hơn các quỹ, tổ chức ủng hộ cho cộng đồng nghệ thuật ở Việt Nam”.
Đó là các dự án Chúc nghỉ ngon của Trần Thảo Miên, Bọ của Rab, San hô trắng của Mzung Nguyễn và Thế giới trong mơ của bộ đôi tác giả Bùi Duy Mạnh/ Lưu Trọng Việt (hạng mục nghệ thuật thị giác); Ballet Symphony: Hoài Văn Hầu – Trần Quốc Toản của Nguyễn Ngọc Tú và Hương sen Đồng Tháp của Nguyễn An Như (hạng mục âm nhạc); Kịch câm trở lại của Nguyễn Hoàng Tùng và Cơ thể 0 của Trần Diễm Phương (hạng mục Sân khấu).
Dự án của tình yêu
Trong những giải thưởng của dự án Âm thanh tình anh em: Khám phá tài năng sáng tạo có những trường hợp khá quen thuộc trong cộng đồng thực hành nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay. Họ là nghệ sĩ kịch câm Nguyễn Hoàng Tùng, nhạc sĩ – giảng viên âm nhạc Nguyễn Ngọc Tú. Ngược lại, cũng có những gương mặt trẻ đầy triển vọng như nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn An Như, nghệ sĩ múa Trần Diễm Phương hay đặc biệt là các nghệ sĩ ở lĩnh vực nghệ thuật thị giác.
Chia sẻ về tác phẩm Ballet Symphony Hoài Văn Hầu – Trần Quốc Toản, Nguyễn Ngọc Tú bày tỏ nhiều suy nghĩ sâu sắc của người trẻ đối với nghệ thuật nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
Thực tế, chỉ mất 10 phút trình diễn trên sân khấu nhưng tác giả đã dày công đến 3 năm để dựng tác phẩm. Anh yêu thích nhân vật lịch sử Trần Quốc Toản – hình tượng một người trẻ tuổi yêu nước – nên chọn làm chủ đề cho tác phẩm. Rồi, với suy nghĩ về việc phải học cách giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, Tú lại tiếp tục chọn sự kết hợp giữa chất liệu dân gian Việt Nam – cụ thể là âm hưởng của những làn điệu hát ru – với bút pháp sáng tác hiện đại.
“Tôi cho rằng đó là sự kết hợp cần thiết để gìn giữ văn hóa” – Ngọc Tú cho hay. Văn hóa dân gian Việt Nam là một kho tàng quý, nhưng cần khai thác theo cách nào đó để gìn giữ được truyền thống mà vẫn tiếp thu tinh hoa của thế giới. Làm vậy mới tiếp cận được các thế hệ công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ bây giờ.
Thực tế, Ballet Symphony Hoài Văn Hầu – Trần Quốc Toản cũng là tác phẩm được yêu thích nhiều nhất trong các sáng tác của Ngọc Tú từ trước đến nay và đã từng được trình diễn trong buổi lễ tốt nghiệp của anh tại Rumani. Khi mang tác phẩm này đăng kí tham gia dự án chỉ trước hai ngày hết hạn, Ngọc Tú cho biết anh bị cuốn hút bởi Âm thanh tình anh em – một dự án có tính kết nối và khai mở.
“Dự án Âm thanh tình anh em rất giàu tình yêu khi không chỉ dành sự quan tâm đối với âm nhạc mà còn ở các lĩnh vực khác như sân khấu, nghệ thuật thị giác. Cũng nhờ thế, dự án tạo được sự kết nối giữa các lĩnh vực trong nghệ thuật, tạo ra cả sự kết nối giữa các nghệ sĩ với nhau” – Ngọc Tú bày tỏ – “Mặt khác, điểm nổi bật của dự án còn nằm ở cách mà nó hỗ trợ các nghệ sĩ đang “ẩn mình” hoặc đang bị “khuất” với công chúng, khi những công trình mà họ theo đuổi cần có chi phí lớn để thực hiện. Thực sự, những nghệ sĩ dù đã thành danh hay còn đang phát triển khi tham gia dự án này đều thấy được sự quan tâm của chương trình”.
Trong lễ trao giải diễn ra ít ngày trước tại Hà Nội, ông Marco Della Seta, Đại sứ Cộng hòa Italy tại Việt Nam, cho biết: Chương trình không chỉ là sự đóng góp quý báu trong việc thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân 2 nước Italy – Việt Nam mà còn là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa các thể chế, văn hóa và nền học thuật của hai nước.
“Tôi đặc biệt tự hào về sáng kiến của dự án này khi có những đóng góp quan trọng và cụ thể vào các dự án của một số nghệ sĩ Việt Nam tài năng nhất trong lĩnh vực âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật thị giác” – ông Marco Della Seta nhấn mạnh.
Việt Nam cũng chính là điểm đến đầu tiên của dự án Âm thanh tình anh em tại Đông Nam Á, được Đại sứ quán Italy hỗ trợ thực hiện.